Việc dân tỉnh lẻ di cư lên thành thị

Di cư lao động tự phát từ nông thôn vào các đô thị lớn là hiện tượng hết sức mới mẻ ở Việt nam, xuất hiện từ sau những năm Đổi mới: Đó là từ cuối 1986, chính sách Đổi mới của Nhà nước VN đã làm thay đổi mạnh mẽ tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước Từ một nền kinh tế mang tính chất tự cung, tự cấp; tập trung bao cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước
>> Tại sao cư dân thành thị chọn “di cư” về vùng ngoại đô thành phố?
Còn trước đây, vấn đề di dân vào Hà nội và các thành phố lớn chịu sự chi phối mạnh mẽ của chế độ tuyển dụng lao động theo kế hoạch: Quản lý lao động theo hộ khẩu. Chỉ những người có hộ khẩu ở Hà Nội mới được sống ở HN, hoặc những người được điều động từ các tỉnh về Hà nội công tác và người nhập cư tự do có công việc ổn định ở HN đã được đăng ký hộ khẩu tạm trú ổn định, dài hạn, đang chờ được trở thành công dân Hà nội.
Vấn đề CNH và Đô thị hoá làm cho diện tích đất canh tác giảm đi, người nông dân không đủ việc làm, giá trị lao động nông nghiệp thấp, đặc biệt có sự chênh lệch cao giữa lao động và thu nhập ở thành phố so với nông thôn và việc xoá bỏ quản lý hộ khẩu ở thành phố đã gây ra hiện tượng di dân lao động từ nông thôn vào đô thị vào cuối những năm 80, đầu 1990.
ở VN, hiện tượng di cư lao động từ nông thôn vào thành phố thường theo mùa vụ, gọi là “Di dân theo mùa vụ”. Phần lớn những người nông thôn ra thành phố lao động họ không có ý định sống lâu dài ở thành phố (sống vài tuần cho đến vài tháng) "Sau ngày mùa cấy hái, tát nước, làm cỏ...tranh thủ đi kiếm thêm đồng rau dưa, vì ở quê những lúc nông nhàn không có việc gì làm".
Tuy nhiên thực tế điều tra hiện nay của chúng tôi cho thấy không ít phụ nữ lang thang bán hàng rong ở Hà Nội đã được 10 - 12 năm và theo họ: “ Vào những lúc ngày mùa nếu thuê được người cấy, hái thì cũng không về quê. Vì đây mới là thời điểm bán được nhiều hàng”. Như vậy khái niệm di dân lao động theo mùa vụ ở VN đang được thay đổi do sự dư thừa nhân công lao động ở nông thôn ra tăng, điều này làm cho những người di cư lao động họ có thể thuê làm nông với giá rẻ, để họ tiếp tục công việc ở HN mà không về quê vào lúc ngày mùa, do đó vấn đề di dân đã giảm bớt tính mùa vụ.
Những phụ nữ ra Hà Nội bán rong trong phỏng vấn của chúng tôI phần lớn có thể coi là “di dân đồng hành” - Chủ yếu họ đi theo những người trong làng, theo chồng, theo cha mẹ hoặc đi theo phụ nữ trong làng. Phần lớn phụ nữ đi theo “phong trào” của làng xã - thấy người này đi, người kia đi, nhiều chị em cũng muốn đi – "Đi cho vui', "Đi vì có bạn có bè", " Đi cho có đồng ra đồng vào".

Đi thế này nhiều khi là theo tập quán, cả làng đi mình không đi người ta bảo là không biết buôn bán. Có nhà có "bát ăn bát để " nhưng chồng vẫn bảo đi vì trong làng có nhiều chị em đi. Phú quý ở quê không bằng ngôi lê kẻ chợ. Người ta đi được thì mình cũng đi được. (Phụ nữ 29 tuổi, Thái Bình)

Cái tâm lý "Sao cho bằng người ta" ở làng quê cũng khiến cho không ít chị em đua theo người cùng làng, dời bỏ chồng con để ra Hà Nội buôn bán kiếm sống trên các đường phố. Chúng tôi cũng tâm đắc với ý kiến của một tác giả nước ngoài nghiên cứu về di dân ở Việt nam (chúng tôi xin lỗi vì không nhớ tên tác giả) rằng: Người đầu tiên đi ra khỏi làng là nam hay nữ thì hầu như sẽ quyết định giới tính của những người bán rong thuộc làng đó.
Các mặt hàng mà phần lớn chị em bán rong thường bán là: rau, hoa quả, đồ nhựa, hàng ăn, hàng xén, vải, quần áo... Số vốn trung bình của các mặt hàng thường khoảng từ 300.000đ - 500.000đ. Trong đó mặt hàng rau chỉ cần số vốn khoảng 100.000đ, còn hàng vải, quần áo cần số vốn trên một triệu đồng. Có vẻ như người khởi đầu đi bán mặt hàng gì thì hầu như cả làng cùng đi bán mặt hàng đó. Như vậy, nhìn vào mặt hàng bán có thể đoán được là người vùng nào.

Họ từ đâu đến ư? Dân bán Báo chủ yếu ở Thanh Hóa, bán rau và Hoa quả ở Hưng Yên này, bán Bánh đa nướng ở Bắc Ninh là chủ yếu, đồ sành sứ đích thị ở Vĩnh Phúc, Đồng nát từ Xuân Thủy, Hải Hậu đến, Dép và đồ nhựa là dân Nam Định.... (Phụ nữ 46 tuổi, Hà Tây).
Cũng có không ít chị em bán rong cho rằng không cần thiết phải nghĩ ra các cách để bán hàng. Vì theo họ "người mua có cần thì mới gọi", bán được nhiều hay ít hàng phụ thuộc nhiều vào sự rủi may, do duyên, lộc, ăn may, tốt vía...
Đi bán hàng được hay không là do cái lộc. Lộc ai người ấy bán, Người nào có lộc thì bán được nhiều, không có lộc thì dù muốn hay không cũng bán được ít. đi rong nhiều cũng chỉ vậy. Nhiều hôm không bán được, buổi trưa không nghỉ đi rong nhưng cũng chẳng bán được.
Lúc bán được, lúc không bán được chẳng biết làm gì. Buổi sáng gặp người mở hàng dễ vía, chiều bán thích lắm. Gặp người khó tính mở hàng cả ngày có khi chẳng bán được gì.

Chủ đề cùng chuyên mục: